Tóm tắt Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014-2015” như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Nhắm mắt đi ngược!
Hàng loạt chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã chính thức lên tiếng về việc nguy hại khi cho con trẻ tiếp xúc sớm với màn hình điện tử (bao gồm truyền hình, DVD, máy tính bảng…).
BS Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi đồng 1, nói: “Không nên cho trẻ dưới hai tuổi xem tivi. Trẻ 3-5 tuổi có thể xem tivi mỗi ngày một giờ”.
Còn theo bản khuyến nghị được trình lên chính phủ Úc: Các trung tâm chăm sóc trẻ em chỉ cho trẻ 2-5 tuổi xem tivi không quá một giờ/ngày. Trong khi đó, Tổ chức truyền thông trẻ của Úc đưa ra những hướng dẫn cụ thể: Trẻ dưới hai tuổi hạn chế xem tivi; trẻ mẫu giáo dưới một giờ/ngày là nhiều (một quan điểm khác của Liên minh Trẻ em Úc là nên để các em mẫu giáo tránh xa các loại máy tính), còn trẻ 5-7-8 tuổi thì xem một giờ/ngày là nhiều.
Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo không nên cho trẻ dưới ba tuổi xem màn hình điện tử, bởi sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe trẻ, đặc biệt gây tổn thương cho não (xem 01net.com).
Tổ chức Nhi khoa Canada quy định: Không được đưa tivi, máy tính, thiết bị chơi game vào phòng ngủ trẻ em.
Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ đã nhấn mạnh: Giảm thời gian ngồi trước màn hình là một ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhằm “tăng tỉ lệ trẻ em 0-2 tuổi chỉ xem tivi cuối tuần và tăng tỉ lệ trẻ tới 18 tuổi không xem tivi quá hai giờ/ngày” (Tạp chí về bệnh trẻ em Archives of Disease in Childhood).
Lý do được đưa ra: Việc ngồi trước màn hình có thể làm giảm thời gian vận động của trẻ, giảm tương tác xã hội với người khác và cơ hội phát triển ngôn ngữ. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển vận động hoàn chỉnh của đôi mắt, làm giảm thời gian tập trung, theo BS Phạm Ngọc Thanh.
Các nhà tâm lý học của Anh cũng đã đưa ra lời kêu gọi khống chế thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày của thiếu niên, nhi đồng bởi bốn nguyên do sau: Sự phát triển của đại não và hệ thần kinh bị tổn thương; ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển; dễ mắc các bệnh tim mạch; tính cách nóng nảy, khó kết bạn (The People).
Chương trình khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sự phát triển của trẻ tại Quebec (Canada) đưa một báo động: Xem màn hình điện tử nhiều sẽ dẫn đến giảm 7% sức tập trung trong lớp, giảm 9% trong hoạt động thể chất…
Cựu Bộ trưởng Bộ Thiếu niên và Nhi đồng Anh Tim Loughton đã cảnh báo trên trang Daily Mail, trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não trẻ, có hại như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Lượng cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ. Cũng theo báo này, TS Aric Sigman đã công bố một kết quả điều tra trên trẻ nhỏ 12-15 tuổi xem màn hình điện tử nhiều: Một thế hệ trẻ em sẽ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng!
ThS Lê Quốc Thịnh (Trung tâm y khoa Kỳ Hòa): Ai cũng biết là xem tivi, làm việc với máy tính nhiều mỏi mắt nhanh hơn đọc sách, sẽ gây cận thị và nhiều bệnh về mắt. Còn các chuyên gia y tế cho biết: Ngồi lâu bên máy tính đồng nghĩa với việc chỉ có bàn tay, cổ và các ngón tay của chúng ta phải hoạt động liên tục, trong khi toàn bộ phần thân người lại gần như bất động.
Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người |
Tới đây, cần nghe lại lời phát biểu của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Việc tổ chức phòng học thông minh không có gì mới so với thế giới…”. Thế giới mà ông nói là thế giới nào? Chương trình học của họ tương tác với công nghệ ra sao? Họ tổ chức cho lứa tuổi nào sử dụng công nghệ? Phương thức quản lý ra sao?
Cả đề án chủ yếu nói chuyện tiền
Trước hết, chúng ta phải khẳng định việc thực hiện một bộ SGK điện tử không có gì phải bàn cãi. Song việc sử dụng, triển khai nó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho học sinh và ít tốn kém nhất cho cả nhà nước và nhân dân, lại là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng. Ở một số nước, việc triển khai máy tính bảng nếu có, chỉ với học sinh cấp 2 trở lên và nó hoàn toàn không thể thay thế cho SGK và phương pháp dạy truyền thống mà máy tính bảng chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc học của các em.
Có lẽ việc thực hiện 12 bộ SGK điện tử không có vấn đề gì lớn về tài chính, vấn đề lớn ở đây là bộ SGK điện tử được gắn khá chặt chẽ với việc bán công nghệ điện tử cho các trường và “bán máy tính bảng” đến từng HS.
Đó là điều mà dư luận nghi ngờ nhất.
Xuyên suốt trong đề án được công bố, nội dung chi tiền chiếm phần chủ đạo, còn việc giải thích cho công luận hiểu: Nội dung cụ thể của SGK điện tử gồm những phần nào, học ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho HS và quan trọng các em sẽ học bằng máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày, có ảnh hưởng sức khỏe tới đâu…, tức là hiệu quả và hạn chế của đề án thì chỉ được nêu lên dưới dạng những khẩu hiệu sáo rỗng chứ không có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và sòng phẳng trước dư luận.
Cứ theo đề án này, phụ huynh TP HCM sẽ phải chi 4.000 tỉ đồng cho việc thay-vì-cầm-SGK-truyền-thống-thì-cầm-máy-tính-bảng có chứa nội dung SGK và dĩ nhiên có thêm một số kiến thức bên ngoài và những hoạt động tương tác giữa thầy-trò và trò với trò.
4.000 tỉ đồng để mở cửa hậu cho kiến thức “lậu” chui lòn
Không thể không đặt câu hỏi: Có hội đồng khoa học giáo dục nào của Bộ GD-ĐT nghiệm thu những kiến thức được đưa thêm ngoài SGK vào trong cái máy tính bảng này, mà lại đem triển khai chính thức trong trường học.
Một bộ SGK hiện hành muốn lọt vào trường học phải qua biết bao hội đồng thẩm định từng câu chữ, thậm chí phải xin phép Quốc hội, còn những kiến thức “tặng thêm” do một vài công ty cổ phần soạn thảo lại dễ dàng lọt qua cửa chính nhà trường với số tiền khổng lồ 4.000 tỉ đồng như Công ty Cổ phần Sách điện tử giáo dục (EDC) thỏa thuận với Intel Việt Nam xây dựng nền tảng công nghệ SGK điện tử, trên các thiết bị sử dụng bộ vi xử lý của Intel. Rồi hội thảo do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức lại xuất hiện Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) với hàng loạt định mức đầu tư cho các loại công nghệ trị giá 3.900-4.400 tỉ đồng.
Nếu xem SGK điện tử này chỉ như một công cụ dạy và học bổ sung, như sách tham khảo truyền thống, ai thích và có điều kiện thì mua, ai không muốn thì không mua, có lẽ dư luận sẽ không bức xúc.
Sau người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân, còn ai?
Theo đề án, có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước đài thọ việc mua SGK điện tử này.
Thế nào là HS thuộc diện chính sách?
Có lẽ trong đó chắc sẽ có HS thuộc hộ nghèo!? Song, chúng ta hãy nhớ lại sự việc bi thảm cách đây hơn một năm: Người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã phải tự tử để gia đình có sổ hộ nghèo được vay tiền cho con đi học (bằng SGK truyền thống). Vậy những người đề xuất đề án này, trong đó trước hết phải nhấn mạnh vai trò của Sở GD-ĐT, đã đánh giá chính xác các hộ gia đình nghèo chưa? Số tiền 5 triệu đồng mua máy với hộ cận nghèo là một gia tài.
Những nhà kiến-tạo-chủ-trương này quả thật là quá vô cảm trước cuộc sống khó khăn của đại bộ phận người dân. Việc mua một bộ SGK truyền thống chỉ khoảng 100.000 đồng so với một máy tính bảng 5 triệu đồng chênh lệch một trời một vực, mà chất lượng còn ở dạng… bỏ ngỏ.
Một hệ lụy tưởng nhỏ mà không nhỏ: Trẻ 6-8 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thức đầy đủ việc bảo quản máy móc, việc làm rơi máy, mất máy, sử dụng máy không tốt… là một điều hiển nhiên mà bất cứ phụ huynh HS tiểu học nào cũng hiểu. Tình trạng trẻ nhỏ một năm thay 2-3 máy cũng không phải là chuyện không thể xảy ra.
Như vậy, với hơn 300.000 máy trang bị, tính luôn số hư hao mất mát, tổng số máy bán được biết đâu chừng lên tới gấp rưỡi. Và giả dụ nếu có được “thành công”, dù là thành công do chế biến cho ra, sẽ đến giai đoạn triển khai ra toàn cấp tiểu học, ra cả hai cấp trung học, rồi đến cả nước với những công trình nghiên cứu “vuốt đuôi” không hiếm ở ta, món lợi lớn biết chừng nào!!!
Đục nước thì béo cò!
Thêm chuyện đơn giản nhất, đang học thì máy hết pin, các em lỡ bấm bậy xóa chương trình… hàng loạt hệ lụy sẽ xảy ra nếu triển khai máy tính bảng đại trà một cách bắt buộc với trẻ còn quá nhỏ.
Kéo trẻ từ thực tới ảo, trái luật giáo dục
Cứ theo đề án, căn cứ pháp lý để xây dựng đề án là Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 được trích dẫn: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”.
Song, thực tế của đề án lại đưa HS từ thế giới thực vốn có trở về với thế giới ảo! Ví dụ, học SGK truyền thống, các em học về hoa sẽ được cô giáo chuẩn bị giáo cụ trực quan bằng một bông hoa thật có đầy đủ cành, lá, nhụy để các em có thể sờ mó được, ngửi được mùi hương của hoa (học bằng cả năm giác quan) thì nay với SGK điện tử các em sẽ được chiêm ngưỡng nó trên thế giới ảo của máy tính bảng.
Kéo học trò từ thế giới thực vào trong thế giới ảo, có đúng Luật Giáo dục không? Vẫn là chương trình, SGK cũ, chỉ khác “bông hoa thật thay bằng bông hoa ảo”, vậy là đổi mới toàn diện giáo dục rồi chăng?
Và đề án này sẽ là đề án tội ác nếu công nhận nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, cũng như thấy rõ chính sách của các nước tiên tiến nhất trên thế giới đang hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử, vì sẽ gây hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhắc lại: Các nước tiên tiến vẫn tiếp tục sử dụng SGK truyền thống trong giảng dạy chính thức trong nhà trường (máy tính bảng chỉ mang tính bổ trợ và giúp các em tham khảo thêm, nếu muốn).
Vậy thì AI? ĐIỀU GÌ cám dỗ Sở GD-ĐT TP HCM lần bước đưa chân đến một đề án ngốn tiền của dân, phản khoa học và phi nhân bản đến như vậy!?
Theo Mai Lan (Báo Pháp Luật TP HCM)
---------------------------Xem thêm bài liên quan:
II. 4.000 TỶ ĐỒNG CHO ĐỀ ÁN SÁCH GIÁO KHOA ĐIỆN TỬ?
TT - Hội thảo “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM” vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 18-7.
Nhóm nhân viên Hãng Intel giới thiệu chương trình sách giáo khoa điện tử - Ảnh: Hữu Khoa |
Mỗi học sinh sẽ sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong SGK. Tất cả thao tác như giới thiệu bài học cùng hình ảnh, video minh họa, kiểm tra bài, chơi trò chơi giáo dục, nhận xét về bài học, làm bài tập... đều được thao tác trên máy tính bảng.
Mỗi học sinh một máy tính bảng
Tránh độc quyền
Tôi đến dự hội thảo nhưng không có đề án trong tay. Phải có đề án cụ thể, minh bạch, xã hội mới góp ý được. Đã là thí điểm thì phải có mục tiêu cụ thể, trước đó phải có khảo sát, sau đó phải có đánh giá. Cần công bằng ở chỗ nên chọn phương án nào có thể thành công ở nội thành nhưng cũng phải có ở ngoại thành nữa, vì chúng ta đang xây dựng “nông thôn mới”. Nếu sử dụng máy tính bảng nên kích cầu nội địa, phát huy công nghệ trong nước, không nên sử dụng hàng nhập. Còn về phần mềm chúng ta nên kêu gọi các nhà viết phần mềm đưa ra các sản phẩm của mình, cái nào được xã hội chọn thì sử dụng, tạo ra sự cạnh tranh, không nên độc quyền phần mềm.
Ông LÊ THÁI HỶ (giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM)
Ông Phạm Thúc Trương Lương, đại diện Công ty EDC (NXB Giáo Dục VN) - đơn vị cung cấp SGK điện tử, phân tích: “Giải pháp này khắc phục những hạn chế của sách giấy như cập nhật chậm, đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác, cồng kềnh. Giáo viên có thể sưu tầm nội dung gửi cho học sinh, giảm thời gian chấm bài, đi lại. Học sinh có thể tự học, tự tìm kiếm tài liệu trên mạng và ngồi tại chỗ chơi các trò chơi giáo dục, làm việc nhóm mà không phải di chuyển, xoay bàn ghế...”.Tôi đến dự hội thảo nhưng không có đề án trong tay. Phải có đề án cụ thể, minh bạch, xã hội mới góp ý được. Đã là thí điểm thì phải có mục tiêu cụ thể, trước đó phải có khảo sát, sau đó phải có đánh giá. Cần công bằng ở chỗ nên chọn phương án nào có thể thành công ở nội thành nhưng cũng phải có ở ngoại thành nữa, vì chúng ta đang xây dựng “nông thôn mới”. Nếu sử dụng máy tính bảng nên kích cầu nội địa, phát huy công nghệ trong nước, không nên sử dụng hàng nhập. Còn về phần mềm chúng ta nên kêu gọi các nhà viết phần mềm đưa ra các sản phẩm của mình, cái nào được xã hội chọn thì sử dụng, tạo ra sự cạnh tranh, không nên độc quyền phần mềm.
Ông LÊ THÁI HỶ (giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM)
Cũng theo ông Lương, EDC hiện đã số hóa 300 cuốn SGK từ lớp 1 đến lớp 12 kèm các nội dung tương tác, kho bài giảng cho giáo viên, ngân hàng đề thi để sử dụng trong đề án này. Tập đoàn Intel là đơn vị sẽ đảm trách việc đào tạo giáo viên nếu đề án được phê duyệt.
Hầu hết đại biểu tại hội thảo tâm đắc với chương trình mà đề án đưa ra bởi phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào giáo dục, song đều bày tỏ sự băn khoăn với tính khả thi của đề án.
Dù tại TP.HCM một số trường học đã phủ sóng WiFi, giáo viên thuần thục khi sử dụng thiết bị công nghệ, song ban giám hiệu nhiều trường vẫn chỉ ra những vướng mắc xung quanh câu chuyện mỗi học sinh có một máy tính bảng cá nhân:
Chương trình sẽ thực hiện đại trà hay chỉ chọn một vài lớp, như vậy có công bằng hay không?
Phụ huynh sẽ chi trả máy tính bảng hay từ ngân sách? Học sinh lớp 1, 2, 3 rất hiếu động, các em có giữ gìn chiếc máy tính bảng này không hay nhà trường giữ?
Có kiểm soát được học sinh sử dụng vào mục đích khác? Giáo viên được đào tạo ra sao để sử dụng nhuần nhuyễn những công nghệ mới này?
Máy tính bảng có thay thế cách dạy - học truyền thống, nhất là ở độ tuổi lớp 1, 2, 3 đang trong quá trình học đọc, học viết?
Cô Trần Thị Thanh Thủy, phó Phòng GD-ĐT quận 10, nêu ý kiến: “Để đáp ứng cho lớp học này, máy tính bảng phải có sự an toàn và độ bền, tuy nhiên tôi chưa an tâm lắm về độ sáng, độ lóa của màn hình, độ cạnh nhọn, nếu sử dụng trong 30 phút liên tục thì có ảnh hưởng đến thị lực? Hiện nay trẻ 2-3 tuổi đã bắt đầu sử dụng được máy tính, nhưng khi dùng để học làm thế nào để các cháu sử dụng thiết thực và hiệu quả?”.
Chi khoảng 4.000 tỉ đồng
Mặc dù những thông tin cụ thể về đề án không được công bố rộng rãi, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM hé lộ trong phần phát biểu của mình: “Theo nội dung đề án mà chúng tôi nhận được, kinh phí sẽ từ 3.900-4.400 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa 27-32%”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, nêu ý kiến: “Hơn 4.000 tỉ đồng không phải con số nhỏ, dù biết đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người, song phải chọn thời điểm đầu tư, cần có khảo sát nhu cầu, khả năng tài chính của phụ huynh từng địa phương. Đã đầu tư thí điểm thì có thể thắng hoặc thua. Nếu thành công thì nhân rộng, nhưng nếu không thì phần đã đầu tư rồi có thể sử dụng trong tương lai như thế nào để tránh lãng phí?”.
Ông cũng cho rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu xem ở độ tuổi nào trẻ tiếp cận công nghệ, cụ thể là SGK điện tử, một cách tốt nhất, việc này cũng giống như nghiên cứu trẻ ở lứa tuổi nào thì uống sữa gì, ăn cháo hay cơm nát, cơm thường...
Ông Trần Trọng Khiêm, phó Phòng GD-ĐT Tân Phú, phát biểu: “Tính liên tục của đề án ra sao, liệu các em có mất hứng thú khi cấu trúc của các năm học không thay đổi? Lộ trình sẽ như thế nào, làm đại trà hay trong từng khối, từng lớp? Học sinh lớp 1, 2, 3 là giai đoạn giáo dục học tập cơ bản, lớp 4, lớp 5 mới là giai đoạn sâu hơn, các em có sự hứng thú, tìm hiểu hơn. Tôi cho rằng dù là phương pháp hiện đại nào cũng cần sử dụng cách dạy truyền thống và kết hợp các hình thức dạy học khác”.
Nhiều đại biểu tại hội thảo là trưởng, phó phòng GD-ĐT các quận, huyện và ban giám hiệu các trường tiểu học cho biết không nhận được tài liệu cụ thể về đề án trước và trong khi tham dự. Vì vậy nhiều câu hỏi về lộ trình, kinh phí, quy mô thực hiện này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời nào từ các đơn vị liên quan.
Đầu năm học mới: lấy ý kiến phụ huynh học sinh
Theo ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM, xuất phát từ tiếng nói của học sinh trong các buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố về việc học sinh phải mang vác nặng khi đến trường, UBND TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng đề án. “Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình hai phương án, hôm nay chúng ta đã nghe trình bày một phương án, sẽ có những hội thảo tiếp theo để tiếp tục nghe một phương án nữa. Đề nghị sở tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án của mình và gửi đề án cho các nhà quản lý, thầy cô giáo. Vào đầu năm học mới 2014-2015 sẽ tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về đề án này, xem phụ huynh có đồng thuận hay không, thực hiện như thế nào, phụ huynh nghèo thì sao...?” - ông Thuận cho biết.